Cao huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị hiệu quả

0

Nội dung chính [Hiện]

Huyết áp cao là một bệnh lý về tim mạch nguy hiểm nhưng ít được phát hiện sớm vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm không có triệu chứng. Theo thống kê năm 2016, ở nước ta, có đến 40% người lớn tuổi bị cao huyết áp.

Cao huyết áp là gì?

Cao huyết áp hay huyết áp cao, tăng huyết áp là một bệnh lý khi áp lực máu lên thành động mạch tăng cao gây ra những áp lực cho tim. Đây là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề về tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,...

Phân loại cao huyết áp như sau:

  • Cao huyết áp vô căn không xác định nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp hiện nay.
  • Tăng huyết áp thứ phát do liên quan đến một số bệnh lý ở thận, nội tiết, van tim hay động mạch.
  • Huyết áp cao tăng thu đơn độc khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi tâm trương bình thường.
  • Bị tăng huyết áp khi mang thai

Cao huyết áp là bệnh phổ biến tại Việt Nam

Vậy như thế nào là huyết áp cao? Theo Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) thì có các mức độ như sau:

  • Áp huyết tối ưu: Thấp hơn 120/80 mmHg
  • Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg
  • Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên
  • Cao huyết áp độ 1: Trên 140/90 mmHg
  • Cao huyết áp độ 2: Trên 160/100 mmHg
  • Cao huyết áp độ 3: Trên 180/110 mmHg
  • Huyết áp cao tâm thu đơn độc: Tâm thu có huyết áp trên 140 mmHg mà tâm trương ở mức dưới 90 mmHg

Huyết áp bình thường là 120/80 mmHg

Nguyên nhân bị huyết áp cao

Như đã đề cập bên trên, 90% người mắc phải cao huyết áp là không rõ nguyên nhân (vô căn) thường là do di truyền và nam giới chiếm tỉ lệ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát như:

  • Các bệnh về thận, tuyến thượng thận, tuyến giáp
  • Do đang sử dụng các loại dược phẩm để điều trị bệnh
  • Sử dụng nhiều rượu bia, đồ uống có cồn và các loại gây tổn hại đến sức khỏe.

Cao huyết áp do thai kỳ thì thường xuất hiện từ tuần thai thứ 20. Nguyên nhân của tình trạng tăng huyết áp khi mang thai có thể do bị thiếu máu, nhiều nước ối, mang thai lần đầu,...

Nguyên nhân làm tăng huyết áp

Những ai hay bị cao huyết áp?

Một số đối tượng có nguy cơ dễ bị áp huyết cao đó là:

  • Người lớn tuổi do tuổi tác nên thành mạch không còn tốt
  • Những người có anh em, người thân trong gia đình có tiền sử bị bệnh tim mạch
  • Người béo phì, thừa cân
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh
  • Lối sống thiếu khoa học, lười vận động
  • Ăn nhiều muối, lạm dụng rượu bia
  • Người hay bị stress, căng thẳng

Triệu chứng của cao huyết áp

Các biểu hiện của huyết áp cao đều mờ nhạt, hầu hết người bệnh đều không nhận thấy một triệu chứng thật sự rõ ràng mặc dù bệnh đã ở mức nghiêm trọng. 

Một số người bị cao huyết áp có những triệu chứng như đau đầu, khó thở, tức ngực hoặc hiếm hơn đó là bị chảy máu cam.

Chính bởi các biểu hiện không rõ ràng nên người bệnh chủ quan, không chú ý nhiều đến biện pháp ổn định huyết áp. Điều này làm bệnh trở nên nặng và có những biến chứng về tim mạch rất nguy hiểm.

Những biểu hiện khi huyết áp tăng cao

Điều trị cao huyết áp như thế nào?

Mục tiêu trong việc điều trị cao huyết áp đó chính là giảm và giữ huyết áp ở mức bình thường (dưới 140/90mmHg). Đối với những người mắc tiểu đường, bệnh thận mãn tính thì sẽ yêu cầu cao hơn, về mức dưới 130/80mmHg.

Một số cách hạ huyết áp đó là:

  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Tập thể dục điều độ, duy trì cân nặng phù hợp, không dùng bia rượu và chất kích thích, dùng ít muối (6g/ngày).
  • Sử dụng các loại dược phẩm để giảm huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trong một số trường hợp khẩn cấp, bạn cần cấp cứu hoặc chăm sóc đặc biệt để giảm thiểu các rủi ro do huyết áp tăng đột ngột gây nên.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần thường xuyên theo dõi huyết áp ngay tại nhà với những loại máy đo thích hợp.

Trên đây là những thông tin cơ bản về cao huyết áp. Mong rằng sẽ giúp bạn có được những thông tin hữu ích để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.